Bitcoin hồi phục trên $ 19.000 trong bối cảnh chứng khoán Mỹ kéo dài chuỗi ngày thua lỗ.
Biểu đồ giá Bitcoin | Nguồn: TradingView
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ đã chứng kiến phiên giảm thứ 3 liên tiếp vào ngày thứ Năm (22/9), khi lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất mạnh tay sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 mất 0,8% xuống 3.757 điểm, Nasdaq Composite giảm 1.4% còn 11.066 điểm và Dow Jones hạ 107 điểm (tương đương 0,3%) xuống 30.076 điểm.
Các chỉ số chứng khoán lớn đều ghi nhận mức giảm trong tuần, với Dow Jones rớt 2,42% từ đầu tuần đến nay, trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 3% và 3,3%.
Lợi suất trái phiếu Mỹ lại tăng vào hôm thứ Năm, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm đều thiết lập mức đỉnh mới kể từ tháng 2/2011 và tháng 10/2007.
Chứng khoán đã rơi vào đà giảm sau khi Fed duy trì lập trường quyết liệt, tiến hành một đợt nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản khác và dự báo sẽ đưa lãi suất ngắn hạn lên mức 4,4% vào cuối năm 2022. Các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đều bắt đầu hành động sau sự dẫn dắt của Fed, khi thực hiện nâng lãi suất mạnh vào đêm qua, bất chấp khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Nhóm cổ phiếu công nghệ và chất bán dẫn tiếp tục sụt giảm vào ngày thứ Năm trong bối cảnh lo ngại tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Công nghiệp và hàng tiêu dùng không thiết yếu là những lĩnh vực giảm mạnh nhất thuộc S&P 500, lần lượt bốc hơi 1,7% và 2,2%, do phụ thuộc vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu phòng thủ lại có hoạt động khá tốt khi cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu và sản xuất thuốc ghi nhận sắc xanh trong ngày thứ Năm.
Trong khi đó, giá vàng giảm nhẹ trong phiên biến động ngày 22/9, chịu áp lực bởi đồng USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu cao hơn, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang duy trì lập trường diều hâu.
Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.671 USD/oz, sau khi giảm hơn 1% vào đầu phiên. Hợp đồng vàng tương lai tăng 0,3% lên 1.680 USD/oz.
Ngược lại với vàng và chứng khoán, giá dầu khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (22/9) tập trung vào những lo ngại về nguồn cung dầu của Nga và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nâng lãi suất thấp hơn so với một số dự báo.
Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent tăng 75 cent (tương đương 0,8%) lên 90 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI có thêm 75 cent (tương đương 0,8%) lên 83 USD/thùng.
Bitcoin và Altcoin
Một chỉ báo on-chain của Bitcoin (BTC), theo dõi lượng coin được nắm giữ bởi những holder dài hạn (LTH) trong tình trạng thua lỗ, đang báo hiệu rằng thị trường đang rất gần với mức đáy.
Tính đến ngày 22 tháng 9, khoảng 30% LTH của Bitcoin đang phải đối mặt với thua lỗ do sự sụt giảm của BTC từ $ 69.000 vào tháng 11/2021 xuống còn khoảng $ 19.000 vào thời điểm hiện tại, thấp hơn khoảng 3% đến 5% so với mức đáy trong chu kỳ gấu trước đó.
Vào tháng 3/2020, giá Bitcoin giảm xuống dưới $ 4.000 do đại dịch COVID-19 bùng nổ, vào thời điểm đó nguồn cung BTC do LTH nắm giữ bị thua lỗ tăng lên mức 35%.
Nguồn cung Bitcoin do LTH nắm giữ trong tình trạng thua lỗ | Nguồn: Glassnode
Tương tự, với mức đáy vào tháng 12/2018 tại $ 3.200 chỉ báo tổn thất của LTH cũng đã tăng lên trên 32%. Trong cả hai trường hợp, BTC/USD đều bước vào chu kỳ tăng giá dài hạn.
Do đó, số lượng LTH thua lỗ trong thị trường gấu có xu hướng đạt đỉnh trong khoảng 30% đến 40%. Nói cách khác, Bitcoin vẫn có khả năng giảm xuống phạm vi từ $ 10.000 đến $ 14.000.
Cùng với đó, chỉ số nguồn cung LTH, theo dõi nguồn cung BTC được nắm giữ bởi holder dài hạn, cho thấy họ có xu hướng tích lũy và nắm giữ trong thời gian thị trường suy thoái và phân phối trong xu hướng tăng giá.
Tổng nguồn cung Bitcoin do LTH nắm giữ | Nguồn: Glassnode
Do đó, thị trường tăng giá tiếp theo có thể bắt đầu khi tổng cung do LTH nắm giữ bắt đầu giảm.
Trong khi đó, số lượng các địa chỉ tích lũy đã tăng đều đặn trong thị trường gấu hiện tại. Số liệu này theo dõi các địa chỉ có “ít nhất hai lần nhận tiền và chưa bao giờ sử dụng số coin này”.
Số lượng địa chỉ tích lũy Bitcoin | Nguồn: Glassnode
Ngoài ra, số lượng địa chỉ có số dư khác 0 hiện ở mức khoảng 42,7 triệu so với 39,6 triệu vào đầu năm nay, cho thấy đà tăng trưởng người dùng nhất quán trong thị trường gấu.
Số lượng địa chỉ Bitcoin có số dư khác 0 | Nguồn: TradingView
Tuy nhiên, Bitcoin đang phải khá khó khăn để đòi lại mức $ 20.000, trước chính sách diều hâu từ Fed và môi trường kinh tế vĩ mô ảm đạm. Mối tương quan của nó với chứng khoán Mỹ cũng cho thấy khả năng suy giảm nhiều hơn vào cuối năm 2022.
Từ góc độ kỹ thuật, Bitcoin có thể giảm thêm về mức $ 14.000 nếu breakdown mô hình cốc và tay cầm như biểu đồ bên dưới.
Biểu đồ giá BTC/USD – 3 ngày, với mô hình cốc và tay cầm | Nguồn: TradingView
Động thái này sẽ đẩy chỉ số “LTH thua lỗ” về phía vùng vốn 32% đến 35% và thiết lập mức đáy trong thị trường gấu hiện tại.
Bất chấp những dự báo dài hạn tiêu cực, Bitcoin đã bật tăng lên trên vùng $ 19.000 trong ngắn hạn và hiện vẫn đang cố gắng duy trì giá trên khu vực này.
Trong 24 giờ qua, BTC đã ghi nhận đà tăng 4,5%, đóng cửa tại $ 19.398, cao hơn gần $ 1.000 so với mức giá đóng cửa trong ngày hôm qua.
Theo sau Bitcoin, Ethereum (ETH) cũng đang giao dịch trong sắc xanh, khi bật tăng 6% trong ngày. Token hợp đồng thông minh đã thành công lấy lại vùng $ 1.300 và hiện đang được giao dịch quanh $ 1.324.
Biểu đồ giá ETH – 1 giờ | Nguồn: TradingView
Cùng với đà tăng của 2 dự án hàng đầu trên thị trường, nhiều altcoin cũng ghi nhận khoản lãi lên đến 2 chữ số trong ngắn hạn.
Dẫn đầu đà hồi phục là Ripple (XRP) với mức tăng hơn 20% sau khi có thông tin cho biết Ripple Labs đã đệ đơn đề nghị phán quyết tóm tắt, quy trình pháp lý liên quan đến việc tòa án đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên các dữ liệu được cung cấp, thay vì ra lệnh xét xử, và quyết định về việc XRP có phải là chứng khoán hay không sẽ được công bố vào giữa tháng 12.
Theo sau là Chiliz (CHZ), UNUS SED LEO (LEO) với khoản lãi hơn 15% trong ngày. Các dự án khác như Compound (COMP), Algorand (ALGO), Theta Network (THETA)… cũng bật tăng trên 10%.
Nguồn: Coinmarketcap